Ao nuôi tôm là yếu tố quan trọng trong giúp tôm thẻ phát triển khỏe mạnh. Do vậy, nắm được cách cải tạo ao nuôi tôm thẻ chân trắng là bước rất quan trọng để nền đáy ao sạch, chất lượng nước ổn định, hạn chế phát sinh dịch bệnh trong ao.
Cách cải tạo ao nuôi tôm thẻ chân trắng gồm 4 bước
1. Xử lý đáy ao
Sau mỗi vụ nuôi, cải tạo lại ao đầm nhằm loại bỏ các chất thải tồn lưu ra khu vực ao chứa chất thải, gia cố mái bờ xử lý triệt để rò rỉ.
Đối với những ao nuôi trước đây có sử dụng các loại hoá chất, thuốc trừ sâu, hoặc nuôi nhiều vụ liên tục, nên cày xới đáy ao, phơi khô, sau đó lọc nước ngâm đáy ao khoảng 3 – 5 ngày hút nước ra ngoài và phơi đáy cho đến khô nứt nẻ.
Kiểm tra pH đáy ao, nếu pH> 6 bón vôi CaO hay CaCO3 từ 70 – 100 kg/ 1000 m2, nếu pH<5 thì bón vôi CaO với liều lượng từ 100 – 150 kg/1000 m2.
Chú ý: Không nên san ủi đáy ao quá sâu (> 1,8 m) dễ dẫn đến ao nuôi có độ pH thấp do gặp tầng sinh phèn, tôm nuôi chậm lớn do khó lột xác.
2. Lọc nước
Cấp nước vào ao lắng rồi chuyển qua đầy ao nuôi bằng máy bơm hoặc cống. Cần có túi lọc bằng vải kate để hạn chế tối đa tôm, cá tạp xâm nhập vào ao.
Tránh lấy nước trong các trường hợp sau:
- Nguồn nước nằm trong vùng có dịch bệnh.
- Nước có hiện tượng phát sáng vào ban đêm.
- Nước có nhiều váng bọt, màng nhầy, nhiều phù sa đen lơ lững.
- Không lấy nước khi thủy triều đang lên.
Nên lấy nước vào ao nuôi qua hệ thống ao lắng vì
- Nước ở đây đã được lắng lọc phù sa và các loại rong tảo tạp, cá tạp.
- Nguồn nước lưu giữ trong ao lắng, ao chứa được lấy vào trước đó 10 – 15 ngày, các mầm bệnh tiềm ẩn trong môi trường sẽ giảm do không tìm được ký chủ trung gian.
3. Xử lý nước
Sau khi lấy đủ mực nước trong ao, để ổn định 2 – 3 ngày. Những hộ diện tích ít không có hệ thống ao lắng, ao chứa cần để ổn định nước trong ao 10 – 20 ngày tiến hành diệt giáp xác bằng sản phẩm chuyên dùng trong nuôi thủy sản.
Sau 1 – 3 ngày chạy quạt đều, trung bình ngày 4 – 6 giờ để kích thích cho trứng, ấu trùng cá tạp có trong nước nở hết và tiến hành diệt tạp, sử dụng Saponin 15 – 20 kg/1.000 m3 nước.
– Sau 1 – 3 ngày chạy quạt đều, trung bình ngày 4 – 6 giờ để kích thích cho trứng, ấu trùng cá tạp có trong nước nở hết và tiến hành diệt tạp, sử dụng Saponin 15 – 20 kg/1.000 m3 nước.
4. Gây màu nước
Thực hiện gây màu nước sau khi đã diệt khuẩn từ 3 – 7 ngày. Đây là khâu quan trọng nhằm tạo nguồn thức ăn tự nhiên trong ao nuôi.
Gây màu tốt giúp ổn định môi trường nước, hạn chế được tôm bị sốc giúp tăng tỉ lệ sống: sử dụng vôi Dolomite hoặc CaCO3: 15 – 20 kg/1.000 m3 kết hợp sử dụng phân gây màu chuyên dùng như sử dụng phân vô cơ NPK, DAP (2 – 3 kg/1.000 m3).
Hoặc sử dụng theo phương pháp truyền thống: sử dụng cám gạo, bột đậu nành nấu chín, ủ chua (2 – 3 kg/1.000 m3) sử dụng liên tục 3 – 5 ngày. Kiểm tra độ trong khi đạt 30 – 40 cm thì tiến hành cấy vi sinh.